Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Cái điện thoại cũ

Mình có cái điện thoại E66 của Nó-Kìa. Hồi mua cũng là đồ cũ, xài rồi. Trong thời gian dùng nó cũng có trục trặc như mau hết pin, phải mua pin khác thay ... nhưng pin khác có vẻ còn tệ hơn nữa nên lại dùng pin cũ, ngoài ra tai nghe rất tệ, không thể nghe được gì ... ngoài ra nó không có cáp kết nối máy tính ... gì nữa nhỉ ... À, nó thỉnh thoảng mất nguồn đột ngột, và thỉnh thoảng không thể gọi được ai, người ta gọi lại cũng không nghe được vì phím bị liệt đột xuất, phải tắt máy khở động lại.

Nói chung là nó hơi hơi ì ạch như vậy, nhưng với nhu cầu của mình, các mối quan hệ không nhiều và cũng hiếm có trường hợp bắt buộc phải gọi hay nghe điện thoại nên cũng ổn cả.

Rồi Mèo thay điện thoại mới. Như mọi khi Mèo thay luôn cho mình. Một cái điện thoại thông minh - rất hợp thời trang, giá lại không quá đắt, thương hiệu mới nổi là HKphone. Mình mới dùng không thích lắm, dùng vài ngày thấy hay hay.

Vấn đề là giải quyết cái E66.
Nó là cái điện thoại cùn, hay hỏng vặt, nên cũng không dám cho ai. Bán lại dĩ nhiên cũng tương đương như đem cho mà thôi. Tốt nhất là tháo pin, bỏ hộp cất kỷ niệm. Nên mình quyết định chờ nó hết pin hẳn để cất.
 
Khổ nỗi là hình như nó - cái điện thoại ấy ... muốn được làm việc, muốn được hoạt động cho đến hơi thở cuối cùng. Mình nghĩ người nào thiết kế ra nó chắc đã truyền cái tính cách này cho nó chăng. Từ hồi tháo sim ra, nó chỉ còn là một thiết bị xem giờ, báo thức, chụp ảnh cho con nít chơi vui ... nhưng nếu để nó nằm im, cứ 3 giây nó lại sáng đèn, nhắc mình gắn sim vào. Buổi tối, để nó trong phòng ngủ, ánh đèn của nó cứ hết sáng lại tối - ánh sáng rất nhẹ, không làm mình giật mình, chỉ đủ để nếu mình nhìn về phía nó sẽ thấy cái ánh sáng ấy cứ thoi thóp, cứ đều đều như nhịp tim người.

Rồi pin cạn. Máy tự động tắt. Nhưng cứ đúng giờ đã định, nó lại ca vang bài ca nhộn nhịp mình đã cài để đánh thức mình dậy. Nó đã giành lại những dòng năng lượng cuối cùng để hoạt động cái công việc báo thức mà người dùng - là mình - đã cài đặt. Ba đêm liền, sáng nào nó cũng nổi nhạc đúng giờ, âm thanh sang sảng như đang dồn hết sức tàn.

Chịu hết nổi, mình lại cắm sạc, mở nguồn và để nó đầu giường ... để mỗi tối lại thấy cái ánh đèn nhẹ nhàng sáng rồi tắt ...

Này E66 à, mày làm tao khó xử quá đấy.
Mày đã hết thời, lại hay ốm vặt - chỉ còn mỗi sự tận tụy mà khiến tao phải thu xếp công việc cho mày tiếp tục "cống hiến" bên cạnh tao ... dù tao rất ghét lỉnh kỉnh hai ba điện thoại, suốt ngày lo sạc pin cái này, rồi cái kia ... nhưng làm sao bây giờ với cái kiểu cầu xin nhẹ nhàng mà da diết đó ...

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Kitchen - Sách



KITCHEN - Banana Yoshimoto - Lương Việt Dzũng dịch - NXB Hội Nhà Văn
 Cuốn sách này mình mua nó chắc là vì cái tựa – Kitchen – Mình nghĩ nó sẽ kể một câu chuyện gì đó liên quan tới cái bếp, nghĩa là liên quan đến chuyện nấu nướng, chăm sóc gia đình.
Và, cũng có chút chút những điều như mình nghĩ. Nhưng rồi cũng là chuyện tình yêu – lại là tình yêu của những bạn rất trẻ. Mặc dù câu chuyện nhẹ nhàng, không kém phần sâu sắc, nhưng mình đã qua rồi cái thời miên man trong những câu chuyện tình “trẻ”, thế nên sau khi đọc xong, mình sẽ không giữ lại mà sẽ tặng cho bé Na – con bé đang lớn và có thể đọc những quyển như thế này rồi.

Ngoài ra, do lời giới thiệu về tác giả nữa : Người ta nhắc đến “tổ hợp” hai Murakami và một Banana nghĩa là Haruki Murakami, Ryu Murakami và Banana Yoshimoto ; và do mình đã đọc Haruki Murakami nên mình muốn đọc thử Banana xem sao. Dù rằng về nhà đọc kỹ lời giới thiệu thì mình lại mất cảm tình với cô Banana này chút ít với những câu như : “Cô lấy bút danh là “Banana”, cái tên theo cô là rất “chúa” và “lưỡng tính” … rồi thì lập đi lập lại từ “Bananamania” (hội chứng Banana) v.v… nhưng mình cho qua cảm giác gợn gợn này vì mình nghĩ lời giới thiệu thì hay bị hiệu ứng hai mặt – có thể làm người ta thích hơn, hoặc ghét hơn … tất cả do cơ chế cảm nhận về ngôn ngữ của mỗi người mà thôi. (Việc này làm mình nhớ lại một việc – bạn mình giới thiệu cho mình đọc blog của một người thứ ba với rất nhiều lời khen ngợi, dù mình rất tin và quý bạn, nhưng những lời khen của bạn không hiểu sao khiến mình có ác cảm với người viết cái blog đó – nhưng mình vẫn vào đọc với một định kiến trong lòng, nhưng sau một thời gian “tĩnh tâm” lại, mình cũng thấy trong đó có nhiều bài dễ chịu).

Quay lại với Kitchen, mình không định viết một bài tóm tắt nội dung hay nhận xét về quyển sách này – mình chỉ muốn nói tới một cảm xúc của mình khi gặp một đoạn nho nhỏ …
Cô gái xưng tôi – Sakurai Mikage – mồ côi và sau khi bà cô mất thì hoàn toàn cô độc. Chàng trai Yuichi Tanabe mời cô đến ở chung cùng với mẹ của anh ta. Sau khi ổn định tâm lý, cô dọn ra riêng, rồi mẹ của Yuichi mất. Cô quay lại nhà Yuichi và chợt nhận ra tình cảm của mình dành cho Yuichi. Do có quá nhiu chuyện dồn dập, Sakurai đồng ý đi một chuyến công tác vài ngày cùng cô giáo dạy nấu ăn của mình để tạo khoảng cách với Yuichi. Đây là đoạn kể về đêm đầu tiên của chuyến đi :

Ngày hôm nay, chúng tôi đã lấy xong tư liệu cho việc giới thiệu về cái món ăn kinh khủng ấy, còn ngày mai, chúng tôi sẽ lại lên ô tô để di chuyển tới một địa điểm khác. Tôi vừa sải bước dưới ánh trăng vừa bâng khuâng nghĩ, giá mà cứ mãi sống một cuộc đời phiêu diêu như thế này nhỉ. Kể ra, nếu còn có gia đình để trở về thì cái cảm giác ấy sẽ lãng mạn biết bao, nhưng giờ đây, tôi đã thực sự là một kẻ độc hành, nên chẳng thấy gì khác ngoài nỗi cô đơn vô bờ thay vì niềm hãnh diện. Dẫu sao thì tôi vẫn cảm thấy rằng, sống như thế là hợp với mình nhất. Trong những đêm đi xa, không khí bao giờ cũng trong veo đến tịch mịch và tinh thần vô cùng tỉnh táo. Nếu chẳng phải vì ai đang ở đâu đó, tôi ước gì mình có thể cứ sống một cuộc đời tỉnh táo như thế này. Nhưng biết làm sao đây, khi mà tôi lại hiểu thấu cả tâm can Yuichi mất rồi … Giá như không phải quay trở về sống ở khu phố đó nữa, tôi sẽ thấy nhẹ lòng biết bao.

Mình cảm thấy cô gái thấy vui về công việc, cảm giác sung sướng với những chuyến đi. Và “nếu còn có gia đình để trở về thì cái cảm giác ấy sẽ lãng mạn biết bao” - Ở đây, mình cảm thấy cô đang nghĩ tới cái gia đình ngày xưa của cô, nghĩa là cái thời bà cô còn sống. Cô sẽ đi nhiều nới, làm được nhiều việc – những công việc mà cô yêu thích – rồi vội vã trở về căn nhà ấm cúng có bà cô đang đợi. Nhưng hẳn cô còn ước mơ về gia đình của chính mình nữa – nghĩa là cô sẽ là vợ, là mẹ trong gia đình đó. Tuy nhiên, có điều là nếu cô là vợ, là mẹ trong một gia đình thì cô làm sao có thể có những đêm đi xa với không khí trong veo tịch mịch và tinh thần vô cùng tỉnh táo như thế được nữa. Cô gái ơi, khi đã là vợ, rồi là mẹ - Mỗi tối khi lên giường, trước khi nhắm mắt ngủ là bài toán “ngày mai ăn gì” – Rồi hàng ngày sẽ là một chuỗi dài lập đi lập lại : đưa con đi học, đón con, đi chợ, tắm cho con, nấu những món chồng thích, con thích … đi chơi đi ăn chỗ này chỗ kia vì con thích, chồng thích … chẳng mấy mà rồi con cái lớn khôn, giật mình nhìn lại tuổi đã già, mà cái ước mơ xưa đã trở thành quá xa xôi.

Mình nhớ tới tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” – cô tiểu thư ngây thơ Scarlet 16 tuổi với nhan sắc rực rỡ luôn cố gắng che giấu sự thông minh của mình. Cô luôn nổi bật trong các buổi dạ vũ và thầm thương hại các bà đã có gia đình, nhưng không bao giờ nghĩ tới lúc khi mình lấy được Ashley làm chồng và cũng sẽ là một trong các bà “quạ khoang” đó :

Ngay chỗ các gốc cây là các bà đã có gia đình, y phục đậm màu làm thành những đốm đoan trang giữa rừng áo màu sắc vui tươi. Những người có chồng bất kể tuổi tác, thường quây quần xa các cô gái mắt long lanh với các cậu trai trẻ luôn miệng cười đùa, vì ở miền Nam không một người đàn bà có chồng nào có quyền làm đẹp. Từ bà cô Fontaine vì quá già nên được quyền khạc nhổ, cho đến Alice Munroe mười bảy tuổi, đang chống chỏi những cơn nôn mửa của lần ốm nghén đầu tiên, họ châu đầu vào những câu chuyện bất tận về phổ hệ, sanh đẻ khiến cho những buổi tụ họp như vậy trở nên lý thú và bổ ích.
Khinh khỉnh nhìn về phía họ, Scarlett thấy họ giống như một đám quạ khoang mập mạp. Đàn bà có chồng chẳng bao giờ được vui đùa. Điều nầy không thể xảy đến cho nàng nếu nàng thành hôn với Ashley. Nếu nàng sẽ bị bỏ một bên, cạnh những bóng cây, trong phòng khách với những bà đã có chồng, mặc những bộ quần áo bằng lụa mờ, cũng nghiêm trang và buồn tẻ như họ và không được tham dự những cuộc vui chơi... Cũng như hầu hết các cô gái khác, óc tưởng tượng chỉ đưa nàng đến bệ thờ và không đi xa hơn nữa”. (Cuốn theo chiều gió – Margaret Mitchell)

Rồi cuối cùng thì mục tiêu của người đàn bà luôn là những điều cao thượng nhưng âm thầm; quên mình để hạnh phúc … mình muốn tìm một cuốn sách nào đó … trong đó người đàn bà yên ổn với những nghĩa vụ mặc định, và tìm được con đường len lỏi nào đó cho cá tính … hình như cũng có, nhưng hiếm thì phải.

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Vật chất quyết định ý thức



Đài FM TP.HCM có chương trình “Cảm xúc online” - cũng thú vị. Mọi người gọi đến đài tâm sự về những đề tài như tình yêu-tình bạn, nghề nghiệp, quê hương v.v… tùy vào thứ mấy trong tuần sẽ có chủ đề tương ứng, rồi sau đó yêu cầu một bài hát để tặng cho ai đó …

Phần lớn thính giả gọi đến chương trình là công nhân, tài xế, người lớn tuổi … Người dẫn chương trình xoay quanh 03 người (hình như vậy) là anh Hoàng Dũng, chị Kim Thanh và chị Ngọc Thảo. Ấn tượng nhất là anh Hoàng Dũng, anh ấy giao lưu với thính giả khá bỗ bã, hơi áp đặt nhưng nói chung cũng dễ chịu.

Đây là chương trình trực tiếp, nên khi chương trình phát thì cũng là lúc thính giả gọi điện đến, vì vậy, mình nghĩ nhà Đài có một êkíp thực hiện chuyên nghiệp và nhịp nhàng.

Hôm nọ, mình vừa nấu ăn sáng, vừa nghe chương trình. Dẫn chương trình là một cô (mình không nhớ cô nào), cô giới thiệu chương trình như mọi khi, và cho phát một bài hát mở đầu (trong khi chờ kết nối với thính giả), bài hát kết thúc, cô nói thêm vài lời về bài hát - như mọi khi – nhưng khác mọi khi, cô tranh thủ thông tin thêm về anh ca sĩ đó, rồi giới thiệu chương trình ca nhạc của ảnh sắp diễn ra mời mọi người nếu thích thì đi xem v.v… rồi cổ kết nối với thính giả đang chờ. Nhưng lúc này thính giả không trả lời – hình như đi đâu mất rồi. Cổ đề nghị người ở tổng đài kết nối với người khác … nhưng rồi tổng đài lại kết nối được với cô thính giả kia. Vậy là sau màn giới thiệu tên, thì cô MC nhắc nhở cô thính giả các quy định về việc kết nối điện thoại với chương trình, rằng thì là sau khi kết nối thì nên chờ chút xíu, đừng bỏ đi, đừng làm việc khác, rằng thì là chương trình lên sóng phải rất sát thời gian v.v… Cô thính giả kia xin lỗi, rồi việc giao lưu tiếp tục.

Mình hơi bực, việc câu giờ là lỗi do cô MC chứ. Cổ tranh thủ quảng cáo cho anh ca sĩ kia – ngoài nội dung chương trình – khiến thính giả phải chờ, vậy mà cổ lại làm cho người ta cảm thấy có lỗi.

Nói cho cùng thì các chương trình mang tính chất cảm xúc, chia sẻ, tư vấn tâm lý v.v… cũng chỉ để tăng lượng người nghe (hay trong thế giới mạng gọi là câu view) mà thôi …
đều có giá của nó.

Nhỏ cháu mình – đang học lớp mầm. Giáng sinh vừa rồi, có ông già No-el đến trường tặng quà. Quà là do cha mẹ đã chuẩn bị trước và đặt dịch vụ ông già No-el mang đến trường. Tất cả trẻ con vây xung quanh ông già No-el, mẹ của nhỏ cháu mình (chưa có kinh nghiệm) nên không đặt dịch vụ này, thế là con bé sốt ruột nhìn các bạn nhận quà cứ đi vòng quanh Santa Claus: “của con đâu ?”. Cũng may là cái trường đó có đặt dịch vụ riêng của trường với những món quà nhỏ cho những bé mà cha mẹ không biết để lo quà trước nênc uối cùng con bé cũng có quà (phát sau).

Thế nên, đức tin cũng là một thương hiệu và có giá của nó (theo một stt trên fb của ai đó)

Trách ai được.

PS. Mình nghe Đài FM nên có th nói vớ vẩn về chương trình của FM. Còn mình không viết về chươgn trình truyền hình bởi mình không coi truyền hình nghen.

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Phát tờ rơi

Nguồn : Báo Đồng Nai



Bây giờ, mỗi khi ngừng đèn đỏ ở ngã tư là thể nào cũng có một em đi phát tờ rơi cho mọi người.
Các em phần lớn còn trẻ, hoặc còn nhỏ (thường nhất là sinh viên), nhưng dạo gần đây mình còn thấy có cả những ông lớn tuổi (cỡ ba mấy tới bốn mấy) nữa, nhưng rất hiếm. Chủ yếu vẫn là những em rất trẻ, như một công việc làm thêm để kiếm thêm chút tiền, để lấy kinh nghiệm sống, để vân vân …

Thông thường, các em gái thì mặc áo khoác tay dài, đội mũ và đeo khẩu trang kín mặt. Công việc ngoài trời bụi và nắng thế này, cần phải bảo vệ da và bảo vệ sức khỏe. Các em trai thì thường đầu trần và mặt cũng trần, chỉ có áo khoác. Nhưng gần đây thì em trai hay em gái gì cũng bao bọc rất kín. Môi trường ô nhiễm quá mà.

Hồi trước, nghĩa là cái vụ phát tờ rơi ở ngã tư còn ít, mỗi khi mình nhận một tờ từ tay các em, mình lại lí nhí cảm ơn – mình nghĩ ờ thì các em ấy đã mất công đứng nắng cả buổi để chuyển tới cho mọi người một thông tin gì đó, thì mọi người (trong đó có mình) cũng nên cám ơn các em một tiếng.

Sau này, mỗi khi ngừng đèn đỏ và thấp thoáng thấy bóng các em ấy, mình lại tự hỏi không biết có nên cám ơn các em đã phát tờ rơi cho mình hay không, bởi suy cho cùng thì đây là một công việc của các em ấy, và cái thông tin mà các em muốn cho mình xem thực ra chẳng ích gì, vậy thì lẽ ra các em ấy phải cám ơn mình mới đúng chứ. Nhưng mỗi khi mình đưa tay nhận tờ rơi với gương mặt lạnh lùng, mình cứ thấy áy náy sao đó.

Nói tới ý tưởng các em phải cám ơn mình, mình mới nhớ rằng hầu như rất ít em cám ơn vì mình đã nhận tờ rơi của em đưa. Mình nh có một em gái mỗi khi đưa tờ rơi cho ai em ấy đưa bằng hai tay và hơi cúi đầu, mình nghĩ có lẽ em ấy có nói cám ơn (vì em bịt khẩu trang nên mình không nhìn thấy được) và mình cũng nhớ có một em trai cũng có động tác tương tự … nói chung là rất ít. Đó là chưa kể mình thường thấy dạo này người ta thuê những em trông rất ngầu, mỗi khi đèn đỏ là em đó thoăn thoắt trong dòng xe, dí các tờ rơi vào mặt người đi đường với thái độ rất kiên quyết, mình thấy mấy em đó là lắc đầu không cầm.

Thêm một chuyện nữa, nghĩa là khi người đi đường cầm tờ rơi thường ai cũng liếc qua xem là cái gì, sau đó thì có người cất vào túi, nhưng phần lớn là vứt xuống đường. Vì vậy nên ở những ngã tư có “dịch vụ” phát tờ rơi thường trắng xóa những tờ rơi bị người đi đường vứt xuống. Mình nghĩ những em đang cầm từng xấp tờ rơi còn thơm mùi mực chờ đưa tận tay người đi đường đó nghĩ gì khi nhìn những tờ giấy mình vừa đưa đó đang nằm nhăn nhúm dưới những bánh xe chạy qua. Bởi tờ rơi cũng như hàng hóa, đúng không ? Người bán hàng phải trân trọng món hàng do mình bán thì mới là người bán hàng chuyên nghiệp và … có văn hóa bán hàng. Nếu như chúng ta cứ đưa cho người khác một món gì đó chỉ để người ta vứt đi thì liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến tâm lý, cảm xúc hay rộng hơn nữa là đạo đức của chúng ta không ?

Thật là nhảm nhí, đúng không. Bởi phát tờ rơi không phải là bán hàng và cũng không đòi hỏi phải chuyên nghiệp (và cũng không ai muốn là người chuyên nghiệp trong “nghề” này) và mình … hình như hơi … à không, hâm nặng rồi.

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Sân khấu đám cưới



 Hôm qua, mình đi ăn đám cưới.
Gần cuối buổi, có nhóm bạn trẻ lên giúp vui văn nghệ, chủ yếu là các em gái. Các em rất trẻ trung, xinh đẹp và nhiệt tình. Vì quá nhiệt tình nên chủ yếu các em gào là chính chứ hát ít lắm, âm thanh lại to nên mình hơi bị nhức đầu. Nhưng mình nghĩ cũng không có vấn đề gì lắm, chủ yếu miễn sao vui là được, và cô dâu chú rể thì rất vui.

Mình ngồi khá gần sân khấu nên thuận lợi cho việc quan sát. Mình bỏ qua phần âm thanh để tập trung vào hình ảnh. Trong khoảng 7-8 em trên sân khấu, có những em mình thấy khá hài hòa về động tác nhún nhảy, cách các em ấy nhìn xuống “khán giả”, cách “quậy” cho tới trang phục - nghĩa là rất thống nhất như thể từ khi sinh ra em ấy đã như thế; trong khi một vài em khác thì có vẻ hơi lạc lõng, nghĩa là trang phục có sự độc lập riêng và bản thân người mặc có độc lập riêng, không có gì chung, nhưng cái quan trọng là từ ánh mắt cho tới nụ cười của người đó như không phải của họ. Kiểu như là bình thường, cô bé này rất trầm tĩnh, rụt rè, nhưng trên sân khấu cô ta đang nổi loạn, cô muốn là một người khác, một hình ảnh khác với hình ảnh bình thường của cô và hẳn là cái hình ảnh bình thường đó cô cũng đang rất chán ngán.

Mình cũng không hiểu sao mình bỗng tưởng tượng như vậy, như thể mình cảm thấy được sự hụt hẫng, trống rỗng sau khi cô bước xuống sân khấu – ánh đèn vụt tắt và giấc mơ tan biến. Một cảm giác chơi vơi và cả hổ thẹn – vì vừa diễn xong một vai diễn dở. Ồ, phải hơn 15 năm mình mới nhìn thấy sự lệch pha đó. Quá dài nhỉ.

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Ong mật và ong đất

Sáng nay, radio có chương trình cho trẻ em. Mình nghe thấy một chuyện ngụ ngôn thế này :

Có bầy ong mật và bầy ong đất sống chung trong một cái tổ rất hòa thuận. Cái tổ này đã có từ lâu lắm rồi, nghe nói là do tổ tiên để lại.
Một hôm, hai bầy ong xảy ra mâu thuẫn, chúng không muốn ở cùng nhau nữa và chuyển sang tranh chấp cái tổ. Bầy ong mật nói tổ này của tổ tiên chúng để lại, bầy ong đất phản đối, nói tổ này do tổ tiên ong đất để lại. Cãi nhau chán, chúng xông vào đánh nhau túi bụi cả lên.
Đánh nhau xong, mệt quá, cả bọn nằm lăn ra thở. Một con ong bỗng nghĩ ra : Sao chúng ta không đi nhờ bác Cú phân xử. Bác Cú là .. (ừm) ... là con vật khôn ngoan nhất khu rừng này. Thế là cả bọn kéo đến nhà bác Cú. Nghe đầu đuôi câu chuyện, bác Cú nói : Ong mật và ong đất, mỗi bên hãy xây một cái tổ mới, tổ nào giống với tổ cũ nhất thì đó chính là do tổ tiên của bầy đó làm ra.

Hai bầy ong hoan hô, cùng khen bác Cú quả là thông minh thật.

Chúng bắt đầu khởi công xây tổ. Ong Mật vốn chăm chỉ, lại nhanh nhẹn - vậy là con ong nào vào việc nấy, cái tổ mới dần dần hình thành. Trong khi đó, ong đất loay hoay mãi không biết bắt đầu từ đâu, chúng thấy sao mà nhiều việc quá, sao mà nhọc mệt quá, nên cuối cùng bọn chúng tự cảm thấy xấu hỏ mà bỏ đi hết cả.

Còn tổ mới của ong mật giống hệt tổ cũ, và dĩ nhiên là từ đó ong mật có hai cái tổ, sống với nhau rất thảnh thơi, không phải lo tranh giành gì với ong đất nữa.

Còn ong đất, lười biếng lại ham chơi, nên chẳng có nhà cửa gì, lại còn mang tiếng xấu hổ với cả khu rừng.

Hết chuyện.

Mình nghe tới kết câu chuyện suýt phì cười, bởi cái con người thông minh là mình đây nghĩ tới việc thực ra cái tổ đó chính là tổ của ong đất mới đúng, bởi con ong đất vốn ham chơi, hẳn là trước kia tổ tiên của chúng cũng chẳng biết xây nhà, nhưng tại sao lại có cái tổ chung ? Chắc chắn rằng, chúng đã thuê mấy con ong mật siêng năng và thật thà kia xây và trả công bằng cách cho ở chung. Con cháu loài ong đất mải chơi quá, không kế thừa được trí tuệ của cha ông nên đã để mất ngôi nhà. Còn bác Cú (sống rất lâu), vốn trước kia có thù oán với tổ tiên ong đất, nên giờ bày kế ra để ong đất mãi mãi mất đi chốn dung thân cũng như mãi mãi mất đi trí thông minh của tổ tiên. 

Mình nghĩ tới điều này, bởi cách đây không lâu, người ta xôn xao về ý kiến của ông tiến sĩ gì đó về bài Đại Cáo Bình Ngô không phi của Nguyễn Trãi mà là của Lê Lợi, bởi đại từ nhân xưng trong bài là "Ta" như câu:
                           Ta đây,
                           Núi Lam Sơn dấy nghĩa
                           Chốn hoang dã nương mình
                           ...
Nghĩa là Nguyễn Trãi chỉ thảo văn - như kiểu thư ký - cho Lê Lợi mà thôi. Có một bạn đã bình luận thêm như này trên báo Lá cải :
"Rõ ràng là Nguyễn Trãi viết theo lệnh Lê Lợi, hay nói cách khác Lê Lơi đã làm hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Trãi viết bình ngô đại cáo theo hình thức outsourcing. Sau khi hoàn thành, Nguyễn Trãi phải bàn giao lại sản phẩm, source code, tài liệu thiết kế, tài liệu test và hướng dẫn sử dụng cho Lê Lợi. Thì tất nhiên, sản phẩm phải thuộc quyền sở hữu của Lê Lợi. Ông có toàn quyền sử dụng, khai thác, sang nhượng hoặc mua bán đối với sản phẩm này. Vậy nói "Không phải của Nguyễn Trãi" là hoàn toàn chính xác"
Sau này, luồn qua lách lại sao đó mà ai ai cũng công nhận Nguyễn Trãi mới là tác giả của Cáo bình Ngô - có khác gì câu chuyện ong mật với ong đất trên kia.

Chuyện ngụ ngôn ở trên kia, cuối cùng ong mật chiến thắng, bởi đó là ... chuyện ngụ ngôn.
Chuyện dưới - về bài Cáo Bình Ngô - trước kia nói là của Nguyễn Trãi bởi vì hồi xưa người ta còn đánh giá cao lòng tự trọng; bây giờ nói là không phải của Nguyễn Trãi nữa bởi vì ... các giá trị đạo đức đã đổi thay.

Trong cuốn "Nhím thanh lịch" có một chương nói về việc "kẻ mạnh là kẻ nói hay" nghĩa là người nắm được sức mạnh của ngôn ngữ. Trong đó, tác giả giải thích rằng, con người, dù là gì thì trước hết cũng là động vật, mà động vật thì cần phải biết bảo vệ lãnh thổ, biết kiếm thức ăn và biết bảo vệ những con khác trong bầy của mình - NGHĨA LÀ MỘT NGƯỜI BIẾT LÀM. Thế nhưng thực tế thì những người biết làm lại bị điều khiển bởi những người vừa suy nhược vừa lười biếng nhưng biết nói hay. Thế nên cái kết của hai câu chuyện kia sẽ đổi thay liên tục ... tùy thuộc vào thời cuộc.